Amiăng là hợp chất Silicat kép Magie được sử dụng
rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là trong công nghệ sản
xuất tấm lợp, ống dẫn nước fibro-ximăng, các vật liệu cách nhiệt, cách
điện và chống mài mòn (má phanh ô tô, xe máy)
Amiăng tồn tại trong thiên nhiên dưới dạng sợi. Dựa theo
thành phần hoá học và hình dáng sợi, amiăng được phân thành 2 nhóm
chính: - Nhóm Amphybol gồm có 5 loại: Crocidolit, Amosit, Tremolit, Actinolit và Anthrophylit. Nhóm này được gọi chung là amiăng màu (có màu xanh và màu nâu).
- Nhóm Serpentin chỉ có một đại diện duy nhất là Chrysotil hay còn được gọi là amiăng trắng.
Hơn 90% các loại nguyên vật liệu xây dựng hiện nay chủ yếu là sử dụng amiăng loại Chrysotil. Ở Việt Nam hiện nay, hơn 90% lượng Chrysotil nhập khẩu được sử dụng sản xuất vật liệu xây dựng, chủ yếu là làm tấm lợp fibro-ximăng. Hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ có hơn 30 cơ sở sản xuất tấm lợp trong toàn
quốc, trong đó Bộ Xây dựng quản lý 11 cơ sở với khoảng 5000 công nhân. Số còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương với số lao động làm việc tại các doanh nghiệp này là khoảng 5000 công nhân. Các sản phẩm có sử dụng amiăng trong dân dụng bao gồm: tấm lợp, tấm cách âm, má phanh ô tô, vật liệu chống cháy,...
Từ đầu thập kỉ 60 của thế kỷ trước, Việt Nam đã sử dụng amiăng chrysotile, chủ yếu để sản xuất các sản phẩm amiăng – xi măng. Tuy nhiên ở Việt nam trong thời gian qua chưa có một báo cáo khoa học chi tiết nào theo dõi về môi trường và sức khoẻ công nhân tiếp xúc với amiăng một cách đầy đủ và hệ thống. Bộ Luật lao động và các quy định về an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam quy định: Các cơ sở sản xuất có phát sinh yếu tố độc hại, định kỳ hàng năm đều phải tiến hành đo kiểm tra môi trường lao động, khám sức khoẻ định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân tiếp xúc với amiăng.
Ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe của người lao động:
Chủ yếu là do tác động của bụi amiăng đến phổi của người lao động tiếp xúc. Amiăng xâm nhập vào cơ thể chủ yếu thông qua 3 đường:
- Đường hô hấp: Tiếp xúc thông qua đường hô hấp với amiăng là đường tiếp xúc chính. Thông qua đường hô hấp, người lao động tiếp xúc với amiăng có thể bị mắc các bệnh liên quan đến amiăng (asbestos’s related diseases) bao gồm: Bệnh bụi phổi – amiăng (asbestosis), ung thư phổi, ung thư trung biểu mô (mesothalioma), dày màng phổi, mảng màng phổi, vôi hoá màng phổi,... và các bệnh khác.
- Đường tiêu hoá: Chủ yếu qua nước từ nguồn cung cấp bằng đường ống dẫn nước làm bằng amiăng hoặc nước mưa lấy từ mái nhà lợp bằng tấm lợp fibro-ximăng. Lượng sợi amiăng trong nước có nơi lên đến hàng triệu sợi/lít nước. Tuy nhiên cho đến nay, các tài liệu y học trên thế giới chưa đưa ra các bằng chứng rõ ràng về mối liên quan giữa amiăng trong nước uống đối với bệnh tật.
- Đường da: Sợi amiăng, đặc biệt là loại sợi chưa qua chế biến được khai thác từ các loại mỏ quặng có thể đâm xuyên qua da dễ dàng gây chai cứng da.
Tiếp xúc amiăng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động đã được biết đến từ cuối thể kỷ 19. Công nhân đóng tàu, công nhân xây dựng thực hiện phun vật liệu xây dựng có chứa amiăng, công nhân sản xuất tấm cách điện, cách nhiệt... bị mắc một loạt bệnh đường hô hấp liên quan đến amiăng, bao gồm: ung thư phổi, phế quản, ung thư trung biểu mô (màng phổi, màng bụng), xơ hoá phổi, màng phổi, mảng dày màng phổi. Kết quả của nhiều nghiên cứu dịch tễ học trong công nhân tiếp xúc amiăng và các thí nghiệm trên súc vật đã chứng minh được mối liên quan chặt chẽ giữa nồng độ amiăng trong không khí môi trường lao động, thời gian tiếp xúc và tỉ lệ mắc bệnh liên quan đến amiăng. Nồng độ càng cao, thời gian làm việc càng dài thì tỉ lệ bệnh càng lớn. Ngoài ra công nhân hút thuốc lá khi tiếp xúc với amiăng thường có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao hơn nhiều so với công nhân cùng tiếp xúc với amiăng nhưng không hút thuốc.
Ở Việt Nam, bệnh bụi phổi amiăng là bệnh nghề nghiệp được hưởng đền bù bảo hiểm xã hội từ năm 1976. Số ca bệnh phát hiện được cho đến nay mới chỉ có 3 trường hợp bệnh liên quan đến amiăng ở công nhân tiếp xúc. Do đặc thù tiếp xúc và thời gian ủ bệnh kéo dài, các loại ung thư ở công nhân làm việc trong môi trường có amiăng hiện chưa được nghiên cứu chi tiết và đưa ra kết quả. Trước những năm 1980, Công nhân dệt sợi amiăng thường phải tiếp xúc với bụi amiăng hầu như nguyên chất, nồng độ amiăng rất cao. Tuy nhiên do điều kiện khoa học kỹ thuật hạn chế, các nghiên cứu chưa xác định được nồng độ sợi trong không khí môi trường lao động mà mới chỉ đánh giá được mức độ ô nhiễm không khí bằng số đo bụi trọng lượng. Những đối tượng tiếp xúc này chưa được nghiên cứu và theo dõi sức khoẻ nên chưa đánh giá được tác hại của amiăng đối với người lao động ở Việt Nam.
Một số nghiên cứu về mối liên quan giữa tiếp xúc amiăng và bệnh đường hô hấp ở công nhân một số cơ sở sản xuất tấm lợp fibro-ximăng cho thấy có một số biểu hiện bệnh do tiếp xúc amiăng như khối u, xơ hoá phổi, mảng màng phổi. Tuy nhiên tỷ lệ phát hiện được không cao.
Các cơ sở sản xuất tấm lợp fibro-ximăng có nồng độ sợi amiăng trong không khí tại vùng máy nghiền là cao nhất, tuy nhiên số liệu đo đạc phụ thuộc vào lại máy móc, công nghệ nghiền. Trung bình, nồng độ amiăng trong không khí môi trường lao động tại một số nhà máy là gấp khoảng 5 - 10 lần tiêu chuẩn cho phép và trong vùng dân cư xung quanh nhà máy vẫn còn bị ô nhiễm do amiăng.
Việc nghiên cứu, quản lý, giám sát sức khoẻ cho công nhân tiếp xúc amiăng – nhất là công nhân có thâm niên lâu năm hoặc đã nghỉ hưu – còn chưa chặt chẽ, phương tiện kỹ thuật và khả năng chẩn đoán, phát hiện bệnh do amiăng chưa đảm bảo nên chưa đánh giá đúng thực trạng nguy cơ. Hơn nữa, do vật liệu amiăng được đưa vào sử dụng trong sản xuất ở nước ta – chủ yếu là tấm lợp fibro - ximăng, cũng tương đối lâu (nhà máy tấm lợp xuất hiện từ những năm 1960, 1970 của thế kỷ trước) nhưng việc giám sát và theo dõi về sức khỏe liên tục đối với công nhân tiếp xúc chưa được thực hiện có hệ thống nên hầu như chưa phát hiện được các bệnh liên quan amiăng trong công nhân tiếp xúc. Ngoài ra, đối với việc phát hiện các trường hợp ung thư phổi và ung thư trung biểu mô thường có thời gian ủ bệnh và diễn biến dài hơn nên đến nay cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào của Việt Nam đề cập một cách toàn diện đến vấn đề này.
Như vậy vấn đề môi trường lao động và bệnh tật của công nhân sản xuất tấm lợp amiăng ở Việt Nam đến nay về cơ bản chưa được nghiên cứu đầy đủ. Với công nghệ sản xuất thô sơ, hiện tại người lao động vẫn phải tiếp xúc trực tiếp với amiăng. Từ năm 2009 với sự tài trợ của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục Quản lý môi trường y tế đã thực hiện nghiên cứu bệnh chứng về các trường hợp phát hiện ung thư trung biểu mô nhằm tìm ra mối liên quan giữa tiếp xúc của amiăng với căn bệnh này. Đứng trước nguy cơ tiếp xúc với amiăng tại các cơ sở sản xuất, việc nâng cao nhận thức để người lao động có thể tự bảo vệ và phòng chống các bệnh có liên quan đến amiăng là cần thiết. Những người chủ lao động phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, khám bệnh nghề nghiệp và giám sát môi trường lao động tại các cơ sở lao động có tiếp xúc amiăng, trên cơ sở đó mới có thể phòng chống và ngăn chặc có hiệu quả những bệnh có liên quan đến amiăng đối với công nhân tiếp xúc ở Việt Nam.
Theo Bộ Y Tế