Đóng cọc tre là để nâng cao độ chặt của đất, giảm hệ số rỗng dẫn đến nâng cao sức chịu tải của đất nền.
Chỉ được đóng cọc tre trong đất ngập nước để tre không bị mục nát, nếu đóng trong đất khô không nước sau đó tre bị mục nát thì lại phản tác dụng làm nền đất yếu đi.
Không đóng cọc tre trong đất cát vì đất cát không giữ được nước, thường chỉ đóng cọc tre trong nền đất sét có nước.
Thông thường người ta đóng 16-25 cọc/m2 vì dễ chia (khoảng cách cọc 20-25 cm).
Yêu cầu vật liệu:
Tre làm cọc phải là tre già trên 2 năm tuổi, thẳng và tươi, không cong vênh quá 1cm/ 1md cọc. Dùng tre đặc ( hay dân gian hay gọi là tre đực) là tốt nhất . Độ dày ống tre không nhỏ quá 10mm. Khoảng cách giữa các mắt tre không nên quá 40cm.
Đường kính cọc không nên nhỏ hơn 60mm. Chiều dài cọc cắt dài hơn chiều dài thiết kế 20-30cm.
Đầu trên của cọc ( luôn lấy về phía gốc) được cưa vuông góc với trục cọc và cách mắt tre 50mm, đầu dưới được vát nhọn trong phạm vi 200mm và cách mắt 200mm.
Phương pháp đóng cọc:
- Cọc đóng theo quy tắc cái đinh ốc, đóng từ vòng ngoài vào trong, từ xa vào gần tim móng.
- Cọc lớn đóng trước, cọc nhỏ đóng sau trong cùng một loại móng hoặc từng m2 móng băng.
- Cọc đóng xuống phải thẳng, không gẫy, dập, cong vênh.
Dùng vồ gỗ rắn để đóng , để tránh dập nát đầu cọc phải dùng bịt đầu cọc bằng sắt. Cọc đóng xong phải cưa bỏ phần dập nát đầu cọc.
Đóng bằng máy:
Dùng máy đầm đóng, hoặc dùng gầu máy đào nếu diện tích rộng.
* Sau khi đóng xong toàn bộ, cần phủ lên đầu cọc 1 lớp cát vàng dày 10 cm rồi tiến hành đổ bê tông lót và thi công phần tiếp theo.